Last updated on Tháng Chín 26, 2023
Table of Contents
Lời nói đầu:
Bài viết này mình dịch và tổng hợp lại từ các nguồn khác nhau. Trong đó mình có đưa ra các ví dụ theo cách mình hiểu và những cái cơ chế mà mình cảm thấy dễ hiểu và nhìn nhận nhứt. Có rất nhiều các cơ chế tự vệ tâm lý khác nhau khác nữa, nếu các bạn có hứng thú tìm hiểu thêm thì có thể đọc thêm ở các link mình để bên dưới nha.
Tổng quan về cơ chế tự vệ tâm lý
Cơ chế tự vệ tâm lý là gì?
Cơ chế tự vệ tâm lý là những hành vi mà mọi người sử dụng để tách mình khỏi những sự kiện, hành động hoặc suy nghĩ khó chịu. Những chiến lược tâm lý này có thể giúp mọi người tạo khoảng cách giữa bản thân và các mối đe dọa hoặc cảm giác không mong muốn, chẳng hạn như cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ.
Ý tưởng về cơ chế phòng vệ xuất phát từ lý thuyết phân tâm học, một quan điểm tâm lý về nhân cách coi nhân cách là sự tương tác giữa ba thành phần:
- Bản năng (Id): là các nhu cầu cơ bản của con người, xuất hiện từ khi chúng ta sinh ra.
- Cái tôi (Ego): phát triển từ bản năng, đảm bảo các nhu cầu của bản năng được thực hiện một cách phù hợp trong cuộc sống.
- Cái siêu tôi (Superego): là những chuẩn mực đạo đức và tiêu chuẩn xã hội.
Ai là người tìm ra các cơ chế tự vệ tâm lý
Lần đầu tiên được đề xuất bởi Sigmund Freud, lý thuyết này đã phát triển theo thời gian và cho rằng các hành vi, như cơ chế phòng vệ, không nằm dưới sự kiểm soát có ý thức của một người. Trên thực tế, hầu hết mọi người thực hiện chúng mà không nhận ra những hành vi của họ.
Cơ chế phòng vệ là một phần bình thường, tự nhiên của sự phát triển tâm lý. Xác định loại mà bạn, những người thân yêu của bạn, thậm chí đồng nghiệp của bạn sử dụng có thể giúp bạn trong các cuộc trò chuyện và gặp gỡ trong tương lai.
Một số các cơ chế phòng thủ phổ biến nhất
Có hàng chục các cơ chế phòng vệ khác nhau đã được các nhà tâm lý học xác định nhưng một số được sử dụng phổ biến hơn những cái khác.
Trong hầu hết các trường hợp, những phản ứng tâm lý này không nằm dưới sự kiểm soát có ý thức của một người. Điều đó có nghĩa là bạn không quyết định những gì bạn làm khi bạn làm điều đó. Dưới đây là một số cơ chế phòng thủ phổ biến:
Sự từ chối – Denial
Từ chối là một trong những cơ chế phòng vệ phổ biến nhất. Nó xảy ra khi bạn từ chối chấp nhận thực tế hoặc sự thật. Bạn chặn các sự kiện hoặc hoàn cảnh bên ngoài khỏi tâm trí của mình để không phải đối mặt với tác động cảm xúc. Nói cách khác, bạn tránh được những cảm giác hoặc sự kiện đau đớn.
Cơ chế bảo vệ này cũng là một trong những cơ chế được biết đến rộng rãi nhất. Cụm từ “Họ đang phủ nhận” thường được hiểu là một người đang trốn tránh thực tế bất chấp những gì có thể rõ ràng đối với những người xung quanh họ.
Ví dụ như bạn biết bạn có vấn đề về sức khoẻ nhưng bạn không dám đi khám bệnh vì sợ phát hiện bệnh. Hoặc bạn đang thấy người yêu có vẻ đang “đào mỏ” bạn nhưng lại từ chối chấp nhận vì sợ độc thân.
Phổ biến nhất là những người hút thuốc, biết nó không tốt cho sức khoẻ đó, nhiều khi ho khụ khụ đó nhưng vẫn kêu rằng: “Tui hút chục năm nay có bị gì đâu, có làm sao đâu”.
Đó là những hành vi chối bỏ một trong các cơ chế phòng vệ tâm lý của ta.
Sự kìm nén & đàn áp – Repression & Suppression
Những suy nghĩ không lành mạnh, ký ức đau buồn hoặc niềm tin không hợp lý có thể khiến bạn khó chịu. Thay vì đối mặt với chúng, bạn có thể vô thức giấu chúng đi với hy vọng có thể quên chúng hoàn toàn.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ký ức biến mất hoàn toàn. Chúng có thể ảnh hưởng đến các hành vi và chúng có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong tương lai. Bạn chỉ có thể không nhận ra tác động của cơ chế bảo vệ này.
Dồn nén là một cách giữ thông tin không đi vào vùng nhận thức của tâm trí, nhưng những thông tin này không mất đi mà sẽ tiếp tục tác động đến hành vi của chúng ta trong tương lai. Chẳng hạn nếu bạn dồn nén kí ức bị bắt nạt khi còn đi học thì sẽ cảm thấy khó khăn khi tạo dựng các mối quan hệ sau này.
Ngược lại với kìm nén, cơ chế đàn áp diễn ra khi chúng ta ý thức được những thông tin mà mình không muốn giữ lại, từ đó né tránh việc nhắc đến chúng. Ví dụ khi có bất đồng với người khác, nhờ cơ chế kìm nén, bạn không bày tỏ sự tức giận giữa nơi đông người mà chờ đến một lúc thích hợp hơn.
Những hành động này chỉ giúp chúng ta giấu đi những cảm xúc nhưng không giúp ta giải toả nó. Những cảm xúc của chúng ta nên được bộc lộ ra đúng với bản chất của nó. Rồi một ngày “Giọt nước cũng tràn ly” những cảm xúc đó không thể dồn nén nữa sẽ bộc lộ ra theo những cách này hay cách khác.
Ví dụ điển hình cho cơ chế tự vệ tâm lý này là cố gắng suy nghĩ tích cực trong mọi trường hợp và luôn né tránh suy nghĩ tiêu cực. Khi buồn không dám khóc, khi tức không dám bực bội, khi đâu không dám la lên. Khi thấy khó chịu nhưng vì giữ thể diện cho A, B nên không nói ra.
Khi coi phim Mỹ, chúng ta cũng sẽ thấy nhiều cảnh. Nếu ở VN, một người bạn mình bị thất tình, họ buồn thì mọi người thường an ủi: “Đừng buồn nữa, có gì đâu mà khóc”…v.v. Nhưng ở nước ngoài, họ sẽ cho mượn vai và người buồn sẽ tự vô mà khóc, họ còn kêu: “Khóc đi, khóc cho đã đi”. Đó là một hành động giúp giải toả tâm lý tức giận, buồn bã, thất vọng của cái người đang thất tình.
Phép phóng chiếu – Projection
Đây là cơ chế gán lên người khác những cảm xúc, suy nghĩ khó chấp nhận của bản thân. Nó giúp bộc lộ những khao khát mà cái tôi không nhận ra để giảm thiểu lo âu hoặc tội lỗi.
Chẳng hạn bạn không thích đồng nghiệp của mình, nhưng cái siêu tôi nhắc nhở rằng thù ghét là xấu. Thế là bạn “giải quyết” việc này bằng cách tự nhủ rằng người đó không thích mình.
Ví dụ thường thấy cho việc này là khi bạn ghét ai đó, bạn sẽ lấy những cái cớ như tại nó ghét tui nên tui mới ghét nó lại. Tại nó hay so đo tính toán với tui nên tui mới tính toán lại với nó thôi.
Chuyển dịch – Displacement
Bạn hướng những cảm xúc mạnh mẽ và sự thất vọng về một người hoặc đối tượng mà bạn không cảm thấy bị đe dọa. Điều này cho phép bạn thỏa mãn xung động phản ứng, nhưng bạn không gặp rủi ro về hậu quả đáng kể.
Một ví dụ điển hình về cơ chế bảo vệ này là khi bạn bị sếp chửi, hoặc khách hàng chê trách về công việc. Khi về nhà bạn sẽ có xu hướng chửi vợ/con vì nhưng hành động sai của họ. Thậm chí ra tay đánh đập họ hoặc vật nuôi trong nhà vì bạn biết các đối tượng mà bạn tác động sẽ không thể phản ứng lại.
Có chế bảo vệ này khá là tiêu cực cho bản thân bạn và người thân xung quanh bởi vì khi mình làm vậy, mình không giải toả được những bực dọc đó trong người, mà còn gây vết thương tâm lý cho những người thân trong gia đình.
Sự thăng hoa – Sublimation
Thăng hoa cũng tương tự như chuyển dịch, nhưng là một phiên bản tích cực. Nó diễn ra khi bạn bộc lộ những cảm xúc không được chấp nhận theo cách thức được chấp nhận thậm chí đề cao. Ví dụ như khi tức giận, thay vì đấm vào đối tượng, bạn chuyển sang đấm bao cát trong phòng tập.
Theo Freud, đây được xem là một dấu hiệu của sự trưởng thành, giúp con người giữ hành vi của mình không vượt khỏi chuẩn mực xã hội.
Hợp lý hoá – Rationalization
Đây là cơ chế giải thích cho hành vi của bản thân bằng cách đưa ra những “lời bào chữa” dễ chấp nhận hơn so với thực tế.
Cơ chế hợp lý hoá không chỉ giảm thiểu lo âu mà còn bảo vệ lòng tự tôn và cách nhìn nhận về bản thân. Khi đối diện với thất bại, chúng ta thường đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài và quy những thành công đạt được cho phẩm chất hoặc sự cố gắng của bản thân.
Ví dụ như khi đi học, bạn thấp điểm hơn thằng bạn thân. Bạn sẽ tự nói rằng: “Chẳng qua nó có đi học thêm, nên nó biết trước cách làm thôi”. Thay vì chung ta tự nhìn nhận tại chúng ta học chưa tốt hoặc không bằng người đó.
Tri thức hoá – Intellectualization
Tri thức hoá giúp giảm thiểu lo âu bằng cách loại bỏ khía cạnh cảm xúc, thay bằng suy nghĩ lý trí và đặt nặng tính chuyên môn.
Ví dụ như khi bạn bị chẩn đoán mắc một căn bệnh nào đó, bạn sẽ cố lờ đi cảm giác lo sợ bằng cách tập trung tìm hiểu kiến thức về căn bệnh. Hoặc khi bị đuổi việc, bạn loại bỏ nỗi buồn bằng việc lập một danh sách các cơ hội việc làm mới.
Tóm lại
Ở trên đây, mình chỉ liệt kê ra một số cơ chế tự vệ tâm lý phổ biến hay gặp để cho các bạn có thể nhận ra và hiểu về các hành vi của người khác cũng như của bản thân mình.
Có thể sau khi nhận ra các bạn sẽ có sự thay đổi để tốt hơn, ví dụ như hành vi Chối bỏ – Denial hay tệ hơn Chuyển dịch – Displacement có những mặt tiêu cực cho bản thân bạn và người thân xung quanh. Khi nhận ra các bạn sẽ tự giảm thiểu hay sửa đổi hành vì của mình tốt hơn.
Tuy nhiên, nếu các bạn cảm thấy mình bị nặng hơn thì các bạn nên tìm đến các chuyên gia, bác sĩ về tâm lý để được tư vấn và điều trị tốt nhất nhé.
Các nguồn mà mình đọc và tìm hiểu về Defense Mechanism:
- https://www.healthline.com/health/mental-health/defense-mechanisms
- https://www.khaitamschool.edu.vn/hoat-dong/72/co-che-phong-ve-defense-mechanism.html
- https://vietcetera.com/vn/defense-mechanism-co-che-phong-ve-giup-ban-xoa-diu-lo-au
Cám ơn các bạn xem hết bài viết của mình. Hãy donate cho mình nếu mình đã giúp các bạn bổ sung được thêm kiến thức hay ho nhé. https://ko-fi.com/tommydo
Cheers !!
Xem thêm các bài viết về Tâm lý học
Comments are closed.