Skip to content

Bug out bag – Hãy sẵn sàng trước những thiên tai.

Chúng ta, thường coi phim, đọc báo thấy ở các nước như Mỹ, Nhật hay có các trận sóng thần và động đất gây thảm hoạ đến cuộc sống hằng ngày. Trong những tình huống đó chúng ta thấy có rất nhiều người trải qua các điều kiện khó khăn, mắc kẹt hoặc chấn thương nhưng mà họ vẫn sống được đến khi được cứu.

Mỗi người, mỗi gia đình chúng ta nên sẵn sàng cho việc sinh tồn trước những biến cố xảy ra không lường trước được. Ngoài việc trang bị cho bản thân những kỹ năng sinh tồn cơ bản, thì các bạn còn cần 1 số các trang bị để tiện việc nhanh chóng di tản hoặc sống sót nếu bị mắc kẹt. Bug Out Bag chính là thứ chúng ta sẽ đề cập hôm nay.

Lưu ý: bài viết này mình viết khi sống ở Canada nên mọi thứ sẽ liên quan đến Canada cũng như tiền tệ sử dụng là CAD.

Bug out bag là gì?

Bug Out Bag là một danh từ miêu tả cho một bộ trang bị dành cho việc cứu hộ, sinh tồn trong điều kiện thiên tai. Các món, trang bị và đồ ăn trong bộ sinh tồn này được bỏ vào 1 cái balo cỡ lớn để tiện việc di chuyển.

Mục đích của Bug Out Bag là cung cấp cho bạn các trang thiết bị cơ bản cho cuộc sống mà bạn nên có khi di tản khỏi nhà hoặc nơi làm việc 1 cách nhanh chóng trong tình huống khuẩn cấp, ở mức xấu hơn là 1 thảm hoạ thiên nhiên.

Bug out bag thì còn có nhiều cái tên khác như: Go Bag, Go Kit, Grab Bag, 72-hour Bag, Bail Out Bag…nhưng chúng đều mang 1 nghĩa chung: bộ trang bị sinh tồn khẩn cấp trong thiên tai.

Điều lưu ý.

Bug out bag không phải là bộ trang bị để cho bạn tồn tại trong 1 khoảng thời gian dài, chúng chỉ được sử dụng cho khoản 1 thời gian ngắn, vì vậy tính năng đầu tiên của Bug out bag chính là nhỏ gọn, và có linh động trong việc di chuyển.

Bug out bag không thể thay thế mọi thứ trong nhà bạn ở mà chỉ hỗ trợ 1 số thứ cơ bản để sinh tồn. Nếu bạn yêu cầu khi đi di tản thiên tai mà vẫn có thể được ngồi uống trà ăn bánh thì bạn đã hiểu sai mục đích của bug out bag rồi.

Ở bài viết này mình chỉ đề cập tới Bug out bag, nó còn 1 số các loại bag khác (mục đích khác) bạn có thể đọc thêm ở đây Choosing an Emergency Bag.

Trong Bug out bag cần có gì?

Trước hết chúng ta nên chọn 1 cái balo vừa tầm, vừa đủ lớn để bỏ hết các món đồ cần thiết mà mình sẽ list bên dưới này và đủ nhẹ cũng như gọn để bạn có thể nhanh chóng mang đi và đeo nó suốt khoảng thời gian di tản.

Theo mình lý tưởng nhứt là BOB chỉ nặng cỡ 10-12kg là vừa. Bạn sẽ muốn mang nhiều thứ hơn nhưng nếu nặng hơn 12kg và phải di chuyển bằng “căng hải” trong 1 quãng đường dài thì sẽ rất là mệt.

Dưới đây là 1 số các mẫu balo thông dụng mọi người hay sử dụng để làm BOB, Mình thì thích loại rằn ri của quân đội nó vừa chống nước, vừa bền và đeo cũng rất thoải mái.

Các dạng balo thông dụng để build BOB

Mỗi gia đình và mỗi cá nhân sẽ có cách build BOB khác nhau, ở đây là cách của nhà mình các ban tham khảo và có thể áp dụng nếu thích. Việc BOB không có ai đúng và ai sai hết nên các bạn không cần tranh cãi cái này đúng cái này sai. Nó đúng khi và chỉ khi các bạn có thể dùng nó để cứu bản thân và gia đình trong tình huống khuẩn cấp. Còn sai là khi bạn bỏ vô BOB mà chả có tác dụng gì.

Các món để bảo vệ bạn và gia đình khỏi môi trường, thời tiết xung quanh:

  • Quần áo nhẹ mỏng nhưng giữ ấm được. Nên xài áo tay dài. Không cần dày, chỉ cần mỏng nhẹ và bạn mặc nhiều lớp sẽ tốt hơn là 1 cái áo dày.
  • Đồ bảo hộ chống lại thời tiết như áo mưa, áo lạnh, giày, vớ. Bạn có thể mua ở các chỗ bán đồ camping, hiking ở gần chỗ bạn ở. Google cái là ra à.
  • Các dạng liều nhỏ hoặc bạt phủ (camping tarp) để che mưa, trú ẩn.
Đây gọi là Camping Tarp
  • Võng (hammock) để ngủ, ở các chỗ bán đồ camping có bán các loại võng gấp lại bỏ vô túi được tiện lắm. Giá cũng chỉ tầm $30-40.
Mình có 1 cái này nè, xài good lắm, mùa hè có thể mang theo đi camping

Đồ ăn thức uống

  • Bình nước thép, nhẹ, bền dung tích cỡ 1L/người. Số lượng tuỳ vào số thành viên trong nhà. Mình thì xài bình 1L của Yeti có quai cầm ở trên. Bình thường mang đi chơi thể thao, có chuyện cũng hữu ích khi xách đi.
  • Ống lọc nước khuẩn cấp, mình xài của LifeStraw Personal Water Filter trên Amazon bán cỡ $90/4 ống hoặc lâu lâu Costco cũng có bán.
  • Đồ ăn cung cấp đủ cho 3 ngày không lâu hơn (72h) và snack.
    • Tại sao phải là đồ ăn trong 3 ngày? Tại vì thường các trường hợp thiên tai xảy ra, thì 3 ngày là còn số trung bình cho các cơ quan như PSA (Public Safety Canada) hay FEMA (Federal Emergency Management Agency – Ở Mỹ) hoặc các đội ứng cứu nhanh (first responders) có thể tới nơi để giải cứu bạn. Cho nên bạn cần 1 lượng đồ ăn thức uống đủ để sống còn trong 3 ngày.
    • Tại sao không lâu hơn 3 ngày? Bạn có thể mang hơn nhưng bạn sẽ không biết bao nhiêu là cho đủ, và việc mang quá nhiều trong tình huống khuẩn cấp là không cần thiết. Bạn cần chỗ cho những món quan trọng khác. Bạn có thể sống nếu không ăn trong vài tuần, nên chỉ cần bạn cung cấp nước cho cơ thể là bạn có thể sống được.
    • Vậy mang snack làm gì, có phải đi xem phim đâu? Việc đem snack ở đây là các loại snack bổ sung năng lượng (energy bar) chứ không phải bịch khoai tây chiên đâu. Các bạn có thể mua các hộp bánh này ở Costco hoặc Canadian Tires, họ bán rất nhiều và giá cũng rẻ.
Các loại energy bar.

Các dụng cụ nấu ăn và đồ đánh lửa.

  • Các dụng cụ nấu ăn ở đây không cần phải mang bộ xoong nồi mắc tiền to bự ở nhà đi mà bạn nên sắm 1 bộ nhỏ gọn, thường bán cho đi camping là được. Mình thì xài loại này bán ở Amazon cũng khá rẻ.
  • Còn về việc đánh lửa, mình thì xài bếp gas mini loại đi camping và thêm 1 cái đồ đánh lửa bằng tay. Bếp gas thì bạn có thể tham khảo loại này nhưng mà bị hạn chế là bạn phải mang thêm 1 bình gas cỡ 200g (bình xanh hình dưới) hoặc bình 450g (bình đen). Nó hơi nặng cho cái balo của bạn nhưng lại rất tiện dụng khi cần.
Bộ bếp gas mini gấp gọn được và các loại bình ga minh hoạ
  • Để backup trường hợp hết gas thì bạn nên có 1 bộ đánh lửa tay, giống thời tiền sử người ta đánh lừa bằng 2 cục đá vậy đó. Cái này thì sẽ hơi khó 1 chút đối với các bạn nào không có kỹ năng xài. Các bạn nên xem qua video này và thực hành sử dụng cái này nhé. Không dễ đâu.
Bộ đánh lừa bằng tay
  • Cần các trang bị để ngủ như:
    • Gối (loại thổi lên và gấp lại được),
    • Túi ngủ (sleeping bag) để giữ ấm khi ngủ,
    • Mền loại nào nhỏ gọn là được.
Sleeping bag cá nhân, có loại double nữa

Dụng cụ cấp cứu, vệ sinh cá nhân

  • Bộ dụng cụ cấp cứu (First Aid kit) thì có bán rất nhiều ngoài các siêu thị hoặc Amazon. Các bạn có thể chọn mua loại cơ bản hay nâng cao gì cũng được. Bên trong đó thường có băng cá nhân, gạc, bông gòn, kéo, nước rửa vết thương, miếng dán cầm máu… Các bộ nâng cao thì có thêm thuốc giảm đau, thuốc đau bụng, dị ứng…
Bộ First Aid cơ bản
  • Ngoài ra bạn còn có thể mang bàn chải đánh răng, kem đánh răng để trong việc vệ sinh miệng.
  • Baking Soda…cái này có công dụng khử mùi, làm kem đánh răng, chất tẩy rửa…bạn không cần mang cả hộp, trích 1 ích bỏ vô bịch hoặc 1 cái hộp nhựa nhỏ là được.
  • Kềm cắt móng tay, không phải để chăm sóc nail cho đẹp đâu. Trường hợp bị thương, gãy móng, xước dằm cây thì nó lại rất hữu ích đó.

Các thiết bị khác

  • Thiết bị định hướng, liên lạc như la bàn, radio nghe đài và radio cầm tay (Walkie Talkie). Nếu bạn chưa biết cách xác định hướng hoặc liên lạc qua radio thì nên lên youtube học và bổ sung kiến thức liền đi. Trong các trường hợp thiên tai, đường sá, điện thoại sẽ bị mất sạch. Bạn cần biết xác định hướng để đi đến nơi trú ẩn hoặc các vùng đất cao (trường hợp bị lũ lụt). Khi điện thoại mất thì thứ duy nhứt để đội cứu hộ truyền tin là radio và trường hợp thành viên gia đình lạc nhau thì có Walkie Talkie để liên lạc tìm lại nhau.
  • Mang theo 1 cái còi khẩn cấp mua loại nào kêu lớn lớn đó, trường hợp mắc kẹt dưới các toà nhà sụp đổ, bạn có thể thổi để kêu cứu. Đừng la hét vì nó sẽ tốn sức và hao tổn lượng oxy đang có nếu đang thiếu oxy. Tiết kiệm sức và oxy để sống.
  • Mang thêm 1 cái kiếng cầm tay. Trường hợp bị kẹt trong đâu đó và trực thăng, máy bay cứu hộ bay trên đầu, họ không thể thấy bạn trong đống đổ nát từ trên cao đâu. Lúc này hãy lợi dụng sự phản xạ ánh sáng của cái kiếng để ra hiệu cho họ.
  • Mang theo 1 cái đèn pin, đèn pin đeo trước trán hoặc đèn lantern (giống đèn dầu mà xài pin). Cái này chắc mình chả cần giải thích để làm gì phải không. Hehe.
  • Bộ dụng cụ đa năng (Leatherman Multitool). Leatherman là cái hãng. Hãng này làm mấy cái bộ multitool xịn lắm. Giá cũng không mắc nhưng lại rất tiện dụng.
  • Cuộn dây leo núi. Loại nào vừa phải đừng mua loại bản bự nặng nề, nhỏ vừa để đủ treo người hoặc cứu người khi kẹt ở dưới hố sâu. Độ dài theo mình thấy cỡ 10-15m là ổn.
  • Bản đồ bằng giấy. Trang bị thêm kỹ năng đọc và xem bản đồ giấy, lúc thiên tai chả có Google Maps để search đâu nghen. À với mua bản đồ của nơi bạn sống nha.
  • Giấy tờ cá nhân. Bằng lái xe, ID card, passport là nhưng giấy tờ cá nhân để định danh bạn lúc này. Khi thiên tai xảy ra, chánh phủ sẽ có các trung tâm thông tin, bạn có giấy tờ cá nhân ở đây sẽ giúp họ định danh bạn và đưa bạn vào danh sách thông tin.
  • 1 cây rìu nhỏ hoặc 1 cây dao đi rừng (Survival Knife) cỡ vừa. Cái này vừa làm vũ khí bảo vệ bạn trước thú dữ và cũng dùng để phát hoang rừng, cây cối lúc mắc kẹt hay đi lại.

Đọc thêm các bài viết về 🏃 Kĩ năng sống

Nếu bạn thấy bài viết mình hay thì hãy đãi mình ly cafe nhé: https://ko-fi.com/tommydo

Published in🇨🇦 Cuộc sống ở Canada🏃 Kĩ năng sống📚 Kiến thức tổng hợp

Comments are closed.