Last updated on Tháng Mười Hai 17, 2023
Coi clip du lịch trên youtube, một bạn nói giọng Miền Nam diễn tả rất tự nhiên vầy:
“Chời ơi! không khí mát quá, mát cực các bạn ơi! Xiên que này ngon, ngon lắm, diễn tả sao ta? Là ngon cực, để đi quay một vòng tí nữa ra ăn tiếp. Người dân ở đây họ tốt cực luôn”.
Cái liên khúc “cực” và “tí” cứ xa xả ra như bắn đại bác.
Có khi nào trưa nắng lên, nóng thì bạn đó lại bắn tiếp kiểu “Chời ơi! tui thấy nóng, nắng cực luôn các bạn ơi!” không ta?
Bọn trẻ Miền Nam bây giờ sao nó làm mọi người lo âu thất kinh.
Người Miền Nam cứ “tí” và “cực” là không xong rồi, đó là cách của người Miền Bắc.
Duy nhứt người Miền Nam có cực trong “cực khổ”, nhưng không phải là “khổ cực”.
Table of Contents
Miền Nam cái gì mà “quá xá bà xa” thời nói nhiều cách lắm.
Khổ quá, nghèo quá kiểu:
- Cùng căn mạt kiếp
- Dan nắng dầm mưa
- Dầm mưa dãi nắng
- Cháy da phỏng trán
- Ngậm đắng nuốt cay
- Có no thì có đói.
Nam Kỳ diễn tả cái đói cũng rất ngộ. Đói thì có “đói queo râu”, “đói xanh xương”, “đói lòi khu đỉ”.
Diễn tả cái nghèo thì sao?
Vì nghèo, mà nghèo quá xá là “nghèo rớt mồng tơi”, “nghèo mạt rệp”, “nghèo ko có cục đất chọi chim”, “nghèo quá xá là nghèo”.
Nghèo thì “nghèo quá xá nghèo”, nghèo không có cục đất chọi chim. Nam Kỳ không có “nghèo cực”.
“Tôi ở Cao Lãnh, tôi nghèo quá xá
Tôi chèo vô Cà Mau, Rạch Giá
Tôi mua ít giạ khoai lang
Tôi bán một giạ lời được một cắc
Tôi trở về thấy anh ngồi sòng tứ sắc
Thời tôi kể chắc ảnh thua rồi
Trời ơi, nhà nghèo con năm bảy đứa
Gạo tôi kiếm từng nồi anh có biết không?”
Sướng nhiều quá thì sao?
Nam Kỳ sẽ nói là “sướng thấy mồ…!” hoặc “sướng quá”, “sướng tới óc o”, “sướng quíu”, “sướng thấy ông bà ông vải”.
Sướng thấy mồ và nhớ cũng thấy mồ, buồn thấy mồ.
Đoạn một đoạn văn:
“Trước khi lên xe ngựa, cậu ngó dáo dác thấy không có ai, bèn cúi xuống hun bên má cô, than thở:
- Nhớ em thấy mồ!
Cô điểm mặt cậu, cười ngỏn ngoẻn:
- Anh coi có vẻ lù khù mà cũng tình tứ đáo để. Coi chừng em đó!”.
“Nhớ em thấy mồ” là cách nói kiểu Nam Kỳ thông dụng xưa rày.
“Nhớ em thấy mồ” là nhớ em dữ lắm, nhớ em da diết, chữ “thấy mồ” kèm theo sự nũng nịu
Ta hay gặp nhiều lắm, thí dụ:
- Thích thấy mồ còn làm bộ mắc cỡ
- Làm người ta mắc cỡ thấy mồ
- Khó chịu thấy mồ
- Thôi thôi kỳ lắm anh ơi, dơ thấy mồ đi
- Nắng thấy mồ luôn
- Ngon thấy mồ hà
- Buồn thấy mồ
Thực ra nguyên văn phải là “Nhớ em thấy mồ tổ”.
Người Nam Kỳ theo Đạo Ông Bà cúng kiếng tổ tiên nên nói gì hay lôi ông bà ra để chứng minh, có khi thề thốt, tất nhiên cái đạo này không phải tôn giáo, chỉ là đạo làm người, một quy tắc ứng xử bất di bất dịch.
Thí dụ: Anh không thương em cho ông bà bẻ cổ anh.
Có câu “lật đật như ma vật ông vải”. Ông bà ông vải là một câu rất thông dụng.
Chẳng hạn câu: “sung thấy Ông Bà Ông Vải“ cũng đồng nghĩa với “sung thấy bà” và “sung thấy mồ”.
Thấy mồ tức là thấy cái mả của tổ tiên.
Dân Nam Kỳ hay chửi trong đời sống, tỷ dụ như “Bà nội cha mày”, “Tổ cha mày”.
“Mày làm mụ nội tao cũng đội chuối khô, đội quần với thiên hạ”.
Câu này nè: “Vợ chồng mày làm mọi thứ nổ tanh banh té bẹ thì mụ nội ai mà hàn gắn lành lặn cho được”.
Nói cho nghe, hễ nói “Thích thấy mồ còn làm bộ mắc cỡ” rồi tới “Nhớ em thấy mồ tổ”, tới “Sướng thấy mồ” là biết đôi trai gái đang ở mức độ nào, level nào cũng tình cảm rồi nha?
”Sướng thấy ông bà ông vãi mà làm bộ làm tịch”.
Mức độ cao, Nam Kỳ sẽ thêm chữ “dễ sợ” vô sau.
Thí dụ “nóng dễ sợ”, “mát dễ sợ”, “thơm dễ sợ”, “mắc dễ sợ”, “rẻ dễ sợ” và thích em cũng thích dễ sợ.Cái mặt quạo đeo, quặm lại không có mùa xuân, hầm hầm vì bực mình thì kêu là mặt mày “chằm bằm, chằm quằm, chằm dằm…”, mặt như bánh bao chiều, như cơm nếp mắc mưa, mặt như chim cú chim mèo.
Nói nhây, nói dai, cứ nói hoài một đề tài chán ngắc thì nói là “cằn nhằn cửi nhửi”, nói “nhức xương nhức cốt”, “miệng nói như “mắc thằng bố”, miệng nói không kéo da non, nói nhiều quá bị kêu là “mắc đàng trên”.
Ăn quá no, mà khách vô nhà lại ham ăn, ăn không coi nồi coi hướng, ăn thô bạo, chủ nhà khó chịu dù giữ thể diện cho khách dữ lắm thì kêu là ăn ”no lòi bản họng”, “ăn như xáng thổi”, “ăn như Hạ Hầu Đôn”.
Ăn no kiểu ăn nhiều, ăn không chịu nhìn sức khỏe thì gọi là “no cành hông”.
Nói chuyện tía lia, kiểu trời ơi đất hỡi, dóc tổ như Ba Phi thì kêu là ”xạo tàn bạo”, nói thiên nói địa, nói dóc tổ cha.
Bực mình, tức khí muốn lên tăng xông mà chưa nghĩ ra lời nào để độp lại người nói thì biểu là “tức cành hông”.
Rầu thì “rầu thúi ruột”, “lòng dạ héo queo héo quắt”, “thắt ruột thắt gan”.
Rầu và bịnh tới mức “nằm chèm bẹp trên giường”, nằm một đống.
Sợ thì “sợ quéo càng”, quéo tới mức “xụi lơ cán cuốc”, teo héo, khô queo như con khô.
Cái to, cái bự thì sao? Bự “chà bá“, bự “chà bá lữa”, bự” tổ chảng”, bự ‘tổ cha’, bự ‘thất kinh”, bự “quá cỡ thợ mộc”.
Nam Kỳ không có “to cực” “to đùng”, “to vật vã” nha hôn.
Nhà ở trong Nam không phải mặt tiền thì đều “hẻm” hết, mặc cho hẻm sâu hay cạn, cho một xuyệt hay nhiều xuyệt mặc định là một dấu gạch chéo.
Còn ngoài Bắc, Hà Nội thì kinh khủng, số nhà họ lòng vòng. Họ chia ra đường, phố, ngõ (kiệt), ngách hẻm). Tức là từ đường chia ra ngõ, từ ngõ chỉa vô ngách.
Hà Nội không xài xuyệt. Ví dụ họ ghi: 2A ngách 27 ngõ 100.
Miền Bắc có văn hóa kiểu “Ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó”. Miền Nam không có ngõ và phố.
Miền Nam chỉ có nhà mặt tiền và nhà trong hẻm.
Những đoạn nhạc sau đây là bị lai Bắc:
“Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên”
Và:
“Một ngõ vắng xôn xao, nằm trong lòng phố lớn. Một tiếng nói yêu thương, cho lòng thêm tơ vương”
Chơi tới cùng người Miền Nam sẽ xài chữ gì?
Là “chơi tới bến”, “chơi thả dàn”, “chơi mút mùa”, “chơi cho bể xuồng”, “chơi líp ba ga”.
Xin nói một đoạn chót.
Nhiều bạn trẻ Miền Nam làm MC và nói chuyện mà cứ “vâng ạ!” hoài làm nhiều người Miền Nam nghe rất khó chịu.
Nam Kỳ là “dạ, thưa”. Câu dạ thưa là một cung bậc trong ứng xử của người Miền Nam từ xưa tới nay, ta kêu đó là sự thể hiện của văn hiến trong cư xử hàng ngày.
Người Bắc có thói quen “vâng” và “ạ”, khi tiếp xúc người Bắc họ sẽ luôn “vâng bà ạ”, “vâng, anh ạ”.
Là người Miền Nam bạn cứ thẳng thừng thưa chuyện kiểu “dạ thưa ông”, “dạ thưa bà”.
Người Nam Kỳ khác người Bắc ở chổ tôn ti trong gia đình còn quy định rõ ràng và rặc ròi hơn ngoài Bắc chỉ có bà, ông, cô và bác làm tới, chẳng biết bên nội ngoại thế nào.
Nam Kỳ chia rõ lắm, bác, cô, cậu, mợ, thím, dì, dượng.
“Ngọt ngào hai tiếng dạ thưa
Đôi môi hiền thục gói vừa nết na
Lời thưa từ buổi sanh ra
Lẫn vào tiếng dạ thật thà thành em”
Cái gia đình mà có người luôn “thưa dạ” với chồng là gia đình rất truyền thống Nam Kỳ.
Người Miền Nam phải giữ lại cách nói chuyện của mình.
Chúng ta tự hào danh xưng “Nam Kỳ Lục Tỉnh”, và sẽ giữ vững đạo lý của nó mãi mãi.
Các bạn trẻ ơi! xin hãy giữ lại những thứ của mình.
Đó là giữ đất, giữ lời nói, Tiếng Nói Miền Nam, giữ riết quê hương, biết ý thức, tranh đấu, tranh đoạt để bảo vệ quyền lợi quê nhà của mình, giữ văn hóa bản sắc của mình.
Các bạn mần ơn thương dùm mảnh đất Miền Nam này đi!
NGUYỄN GIA VIỆT
Nếu các bạn thấy thích và bổ ích đừng ngần ngại donate cho mình nhé. https://ko-fi.com/tommydo
Cheers !!
Xem thêm các bài viết: 🧧 Văn hoá Việt Nam
Comments are closed.