Skip to content

Phúc lợi thai sản ở Canada – Những điều bạn nên biết.

Last updated on Tháng Chín 26, 2023

Nếu bạn đang có ý định sanh con tại Canada, hoặc bạn đang mang bầu và dự định nghỉ thai sản, thì đây là bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ các quy định và quyền lợi hưởng phúc lợi thai sản hay người ta còn gọi là Maternity Benefit.

Tổng quan.

Trong bài viết này, mình chỉ chia sẽ về các phúc lợi trong thời kỳ thai sản dành cho mẹ lẫn ba. Đây không phải là childcare benefit (mọi người thường gọi là “tiền sữa”) dành cho trẻ em dưới 18 tuổi đâu nha. Về tiền sữa cho con nhỏ, mình sẽ chia sẽ ở một bài viết khác sau.

Thực ra, nếu nói chính xác hơn thì bài viết đề cập tới “Các phúc lợi dành cho mẹ lẫn ba khi mang thai ở Canada” trong đó Maternity Benefit là một trong các phúc lợi đó. Tuy nhiên, để tiện cho việc tìm kiếm trên google, mình gói gọn trong cụm từ “Maternity benefit” cho đơn giản và dễ hiểu nghen.

Ngoài ra, các phần cần nhấn mạnh mình sẽ IN ĐẬMGẠCH DƯỚI giống NHƯ VẦY cho các bạn chú ý đến các điều kiện cũng như nội dung chính của từng phần. Các bạn lưu ý nha.

Các loại phúc lợi thai sản.

Khi một người phụ nữ có đi làm, đóng thuế hợp pháp ở Canada, không quan trong residental status của bạn là gì, là du học sinh, là người đi làm, là PR hay là công dân ở Canada, các bạn đều được hưởng các chế độ phúc lợi dành cho sản phụ dưới đây:

  • Maternity benefit – Phúc lợi thai sản.
  • Sickness benefit (Condition) – Phúc lợi đau bệnh (Có điều kiện)
  • Parental benefit – Phúc lợi dành cho ba mẹ.

Chi tiết từng loại phúc lợi thai sản.

1. Maternity benefit – Phúc lợi thai sản.

Đây là phúc lợi dành cho người mẹ và chỉ mẹ được nhận thôi nha. Thời gian nhận lên đến 15 tuần và được hưởng 55% mức lương. Mức lương ở đây là sẽ dựa vào ROE (Record of Employment) là tờ giấy mà khi bạn chính thức nghỉ thai sản thì bộ phận HR của công ty bạn làm sẽ xuất cho bạn. Trên ROE sẽ xác nhận thông tin cá nhân và mức lương bạn làm ở công ty.

Service Canada là nơi sẽ xét yêu cầu xin hưởng phúc lợi của bạn. Họ sẽ lấy cái cheque cao nhất của bạn trong suốt thời gian làm, sau đó nhân với 55%. Và vì thường mọi người nhận lương mỗi 2 tuần (biweekly) cho nên họ sẽ chia 2 để lấy con số trung bình của 1 tuần. Ta sẽ có công thức sau

Mức hưởng 1 tuần = Lương cao nhất * 55% / 2

Ví dụ: Lương cao nhất trên các cheque bạn nhận là $1200, sau khi áp công thức trên vô thì ta sẽ có là:

$1200 * 55% / 2 = $330

Vậy mức hưởng Maternity Benefit của bạn mỗi tuần sẽ là $330/tuần. Cái mức sau khi tính ra này phải thấp hơn $595. Đây là số tiền tối đa của hạn mục này bạn được nhận phòng trường hợp lương bạn quá cao, thì khi tính ra số tiền hưởng mỗi tuần quá cao. Túm lại là nếu sau khi tính xong, số được nhận của bạn thấp hơn $595 thì bạn nhận con số đó. Nếu cao hơn thì bạn chỉ được nhận max $595.

Sau khi người ta tính xong thì sẽ gửi tiền này vô tài khoản của người mẹ theo chu kỳ 2 tuần. Vậy nếu theo ví dụ trên thì cữ mỗi nửa tháng thì người mẹ được nhận $660/nửa tháng.

Ngoài ra, để nhận được phúc lợi này, người mẹ chỉ được nhận sớm hơn ngày Due Date (ngày dự kiến sanh) là 12 tuần (3 tháng). Tức là nếu giả sử ngày dự sanh là 01/12, thì bạn chỉ được xin nhận từ ngày 01/09, cho dù là 31/8 cũng không được nha.

Mặt khác, vậy nếu như người mẹ mệt quá, muốn nghỉ sớm hơn (trước 12 tuần so với ngày dự sanh) thì mình có được xin phúc lợi nào không hay phải đợi vô trong khoảng 12 tuần mới xin được. Để trả lời câu hỏi này, bạn đem tiếp mục bên dưới về Sickness Benefit nha.

2. Sickness benefit (Condition) – Phúc lợi đau ốm (Có điều kiện)

Trước hết, cái phúc lợi này thật ra là dành cho rất nhiều trường hợp khiến người lao động không còn đủ sức khỏe để đi làm ví dụ như bị tai nạn hoặc bị bệnh, thì trong đó có trường hợp dành cho người mẹ gặp vấn đề về sức khỏe trong quá trình mang thai nên không đi làm nổi nữa nhưng lại quá sớm (trước hơn 12 tuần). Mình có thể xin phúc lợi này để trang trải cho cuộc sống.

Ngoài ra, về phần mức tiền được nhận cũng giống phần Maternity, tức là bạn sẽ được nhận 55% mức lương trên cheque cao nhấtđược nhận lên đến 15 tuần. Và để được nhận Sickness benefit thì bạn cần có giấy của bác sĩ xác nhận rằng tình trạng sức khỏe không tốt để tiếp tục đi làm và cần nghỉ sớm. Trong giấy của bác sĩ sẽ ghi rõ bác sĩ đề nghị nghỉ bắt đầu từ ngày mấy tháng nào năm nào. Trên Service Canada cũng sẽ căn cứ theo thông tin bác sĩ đưa để làm điều kiện xét xem bạn có được nhận benefit này không.

Cách tính benefit này cũng y như Maternity cho nên nếu bạn thỏa điều kiện của benefit này thì cứ lấy cái Maternity nhân 2 lên cho nhanh và đơn giản nha. Tới đây bạn sẽ tự hỏi rằng nếu thỏa cả 2 cái thì có được nhận cả 2 không? Câu trả lời là được nhé, tuy nhiên bạn sẽ nhận theo thứ tự, tức là nhận hết Sickness benefit, xong rồi nhận Maternity benefit, sau cùng là Parental benefit (nếu bạn có xin).

3. Parental benefit – Phúc lợi dành cho ba mẹ.

Okay, tới phần này thì mới thực sự gọi là phúc lợi dành cho cả ba lẫn mẹ. Vì ngoài mẹ được lãnh ra, người ba nếu có tạm thời nghỉ việc để phụ chăm sóc em bé thì vẫn sẽ bị ảnh hưởng đến thu nhập. Do đó người ba cũng sẽ được nhận 1 phần phúc lợi trong gói Parental này.

Tuy nhiên, ở mục này thì có phần phức tạp hơn một chút là vì chúng ta sẽ phải chọn 1 trong 2 options:

  • Standard Parental
  • Extend Parental

3.1 Standard Parental.

Ở Standard Parental benefit ta sẽ được nhận lên đến 40 tuần, trong đó max 35 tuần cho mẹnếu người ba đăng ký nhận thì sẽ được nhận thêm 5 tuần. Ở option này thì chúng ta sẽ được nhận 55% lương. Cũng như Maternity max số tiền được nhận là $595/tuần.

3.2 Extend Parental.

Ở Extend Parental benefit thì ta sẽ được nhận lên đến 69 tuần, trong đó max 61 tuần cho mẹnếu ba đăng ký nhận thì nhận thêm 8 tuần. Ở option này thì chúng ta sẽ được nhận 33% lương và max số tiền nhận được là $357/tuần.

Một số lưu ý cho các bạn khi muốn nhận các benefits này là:

  • Cả 2 ba lẫn mẹ phải chọn cùng 1 option không thể người này chọn Standard mà người kia chọn Extend được nha.
  • Khi đã chọn option nào đó thì không thể thay đổi nửa chừng.
  • Người apply đã làm được 420 giờ trong vòng 52 tuần tính tới thời điểm apply.
  • Nên apply trong vòng 30 ngày kể từ ngày làm việc cuối cùng, nếu apply trễ hơn sau 30 ngày, bạn có thể bị mất benefits.
  • Và các mức lương mình đề cập xuyên suốt bài viết là mức lương trước thuế.

Ví dụ thực tế của các phúc lợi thai sản.

Ví dụ 1:

Mức lương: $20/h
Làm 8h/ngày thì sẽ có 40h/tuần và 80h/biweekly.
Tính ra 1 cheque là $1600 ($20 x 80h) => Giả sử cheque này là max.

Chọn:
- Maternity: 15 tuần (55% lương)
- Sickness: 15 tuần (55% lương)
- Standard Parental: 35 tuần (55% lương)
- Chỉ mẹ nhận, ba không nhận.
Tổng 65 tuần (55% lương).

Áp công thức: $1600 x 55% = $880/biweekly.
=> $440/tuần (chưa quá $595)

Thực lãnh (người ta trả chu kỳ 2 tuần/lần).
=> $880/biweekly (Đây là tiền sẽ chạy vô ngân hàng).

Rồi lấy số trên nhân cho 65 tuần thì ta có:
=> $440 x 65 = $28,600

Tương đương 521 triệu đồng Việt Nam cho 1 năm 3 tháng ở nhà chăm con.

Ví dụ 2:

Mức lương: $20/h
Làm 8h/ngày thì sẽ có 40h/tuần và 80h/biweekly.
Tính ra 1 cheque là $1600 ($20 x 80h) => Giả sử cheque này là max.

Chọn:
- Maternity: 15 tuần (55% lương)
- Sickness: 15 tuần (55% lương)
- Extend Parental: 61 tuần (33% lương)
- Chỉ mẹ nhận ba không nhận
Tổng 30 tuần (55% lương) và 61 tuần (33% lương)

Chỗ này sẽ khác ví dụ trên vì mức phần trăm khác nhau cho nên:
---------------------------
+ Maternity + Sickness: $1600 x 55% = $880/biweekly.
=> $440/tuần (chưa quá $595)

Thực lãnh (người ta trả chu kỳ 2 tuần/lần).
=> $880/biweekly (Đây là tiền sẽ chạy vô ngân hàng).

$440 x 30 tuần = $13,200.
----------------------------
+ Extend Parental: $1600 x 33% = $528/biweekly.
=> $264/tuần (chưa quá $357)

Thực lãnh (người ta trả chu kỳ 2 tuần/lần).
=> $528/biweekly (Đây là tiền sẽ chạy vô ngân hàng).

$264 x 61 tuần = $16,104.

Cộng tổng hết lại thì ta có
=> $13,200 + $16,104 = $29,304

Tương đương 533 triệu đồng Việt Nam cho 1 năm 9 tháng ở nhà chăm con.

Túm lại

Nhìn tổng thể, qua 2 ví dụ ở trên thì ta cũng thấy được nếu chọn Extend Parental benefit thì tổng số tiền ta nhận sẽ hơn một chút so với Standard. Tuy nhiên, số tiền chúng ta nhận hằng tháng thì sẽ ít hơn. Đó là lý do tại sao người ta đưa ra 2 options để chúng ta chọn, cái đó tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình.

Hy vọng qua thông tin ở trên và các 2 ví dụ của mình sẽ giúp cho các bạn gỡ rối trong việc lựa chọn và tính toán chi phí cho thời gian nghỉ thai sản của mình. Cám ơn các bạn đã đọc hết bài viết, nếu các bạn có bất cứ đóng góp gì cho bài viết đừng ngại để lại comment cho mình nha.

Tham khảo:

Published inBài viếtCác mẹo, hướng dẫn khi ở CanadaChuyện tỉnh Alberta (AB)Chuyện tỉnh British Columbia (BC)🇨🇦 Cuộc sống ở Canada

Comments are closed.