Skip to content

Y tế Canada – Cách mà hệ thống vận hành

Last updated on Tháng Chín 26, 2023

Số người đã xem bài viết: 246

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về hệ thống y tế Canada, bao gồm medicare, các quỹ và các dịch vụ về sức khoẻ của đất nước Bắc Mỹ này nhé.

Hệ thống y tế Canada

Canada có một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân được tài trợ thông qua thuế. Điều này có nghĩa là bất kỳ công dân hoặc thường trú nhân nào của Canada đều có thể ghi danh bảo hiểm y tế công cộng.

Mỗi tỉnh và vùng lãnh thổ có một chương trình sức khỏe khác nhau bao gồm các dịch vụ và sản phẩm ý tế khác nhau. Có một số khác biệt quan trọng giữa mỗi chương trình, vì vậy hãy bạn nên tìm hiểu và đảm bảo rằng bạn biết bảo hiểm và chương trình của mình bao gồm những gì.

Sau khi tỉnh hoặc lãnh thổ của bạn ghi danh bạn vào hệ thống y tế của họ, bạn sẽ nhận được thẻ sức khỏe. Xuất trình thẻ này tại các bệnh viện hoặc phòng khám y tế để nhận các dịch vụ không khẩn cấp.

Nói chung, với bảo hiểm y tế công cộng, bạn sẽ không phải trả tiền cho:

  • Hầu hết các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
  • Dịch vụ y tế khẩn cấp, ngay cả khi bạn không có thẻ y tế (có thể có một số hạn chế tùy thuộc vào tình trạng nhập cư của bạn).

Các tiêu chí của hệ thống y tế Canada

  • Publicly-funded: nghĩa là do công quỹ chánh phủ đài thọ.
  • Universal: nghĩa là tính phổ quát, phổ cập, toàn dân đều được bảo hiểm y tế.
  • Non profit: nghĩa là không có mục đích kiếm lợi nhuận.
  • Single payer: nghĩa là chánh phủ là nhà bảo hiểm y tế độc quyền, trả tiền cho bác sĩ và bệnh viện để cung cấp dịch vụ y tế cơ bản cho dân chúng.
  • Portability: tính linh động, tức là khi bạn chuyển qua tỉnh bang khác sống thì bạn vẫn được bảo hiểm ở tỉnh cũ chi trả trong vòng 3 tháng để bạn có thời gian ghi danh thẻ mới ở tỉnh bạn chuyến đến.
  • Accessibility: khả năng tiếp cận, tức là chánh phủ cung cấp cho tất cả người dân khả năng tiếp cận hợp lý với các dịch vụ cần thiết về mặt y tế. Việc tiếp cận phải dựa trên nhu cầu y tế chứ không phải khả năng chi trả. Giàu nghèo gì cũng được chữa trị như nhau.

Trách nhiệm

Hệ thống y tế này là trách nhiệm của cả chánh phủ liên bang và tỉnh bang. Chánh phủ liên bang có nhiệm vụ đề ra đường lối chung và cung cấp ngân sách y tế cho tỉnh bang, còn chánh phủ tỉnh bang có nhiệm vụ thực hiện và điều hành hệ thống y tế cho dân chúng trong tỉnh.

Hệ thống y tế Canada phân cấp theo nhu cầu

Chính phủ tỉnh bang phân loại nhu cầu y tế ra làm 2 loại: sơ cấp, thứ cấp và cao cấp.

Nhu cầu y tế sơ cấp (Primary Health Care Services)

Nhu cầu y tế cơ bản là khám bịnh bởi bác sĩ gia đình và các bác sĩ đa khoa. Những bịnh như cảm, sốt, ho đơn giản cho đến các chứng bịnh nặng hơn như dị ứng nhẹ, đau nhức, một số chữa trị về tâm lý, khám cho trẻ em…v.v.

Nếu bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ đa khoa không điều trị được thì sẽ gửi bạn đến bác sĩ chuyên khoa để điểu trị thêm. Bác sĩ gia đình hoặc đa khoa thường làm việc tại các phòng khám địa phương (Clinic). Bạn có

Bạn không thể trực tiếp gặp bác sĩ chuyên khoa mà không có giấy giới thiệu từ bác sĩ gia đình.

Nhu cầu y tế thứ cấp (Secondary Services)

Đối với một số tình trạng bệnh nhân tương đối phức tạp mà bác sĩ đa khoa không thể xử lý được thì dịch vụ y tế thứ cấp sẽ giải quyết vấn đề cho bạn một cách dễ dàng hơn. Đây là dịch vụ được các bác sĩ chuyên khoa đảm nhiệm với đa dạng các khoa như bác sĩ tâm lý, bác sĩ tim mạch, bác sĩ da liễu, bác sĩ tai mũi họng, bác sĩ phẫu thuật ở các khoa khác nhau.

Ngoài ra các nhu cầu y tế thứ cấp còn bao gồm điều trị thuốc và phẫu thuật những ca đòi hỏi sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa. Các dịch vụ đòi hỏi tính chuyên nghiệp và có phức tạp nhất trong tất cả các dịch vụ y tế, chẳng hạn như điều trị ung thư, phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật tim mạch, điều trị chấn thương, …v.v

Sau khi các bạn đã được điều trị ở các bác sĩ chuyên khoa, họ sẽ đặt lịch hẹn tái khám sau đó. Nếu họ cho rằng bạn đã ổn và không cần lên bịnh viên chuyên khoa nữa, họ sẽ gửi bạn về lại bác sĩ gia đình.

Nhu cầu khác (Supplementary services)

Một số lợi ích sức khỏe bổ sung thường bao gồm thuốc kê đơn bên ngoài bệnh viện, chăm sóc răng miệng, chăm sóc thị lực (làm mắt kiếng cận), thiết bị và dụng cụ y tế (chân tay giả, xe lăn, v.v.) và các dịch vụ của các chuyên gia y tế khác như nhà vật lý trị liệu.

Ở các tỉnh họ chỉ cung cấp bảo hiểm cho một số người nhất định (ví dụ, người cao tuổi, trẻ em và người dân có thu nhập thấp), nếu bạn thuộc diện ngoài các đối tượng này, bạn phải tự móc túi trả tiền cho các dịch vụ đó.

Để không phải móc tiền túi cho các dịch vụ bổ sung này, bạn có thể xài bảo hiểm của các công ty. Thường khi đi làm bạn sẽ được công ty mua cho các gói bảo hiểm nằm trong chính sách chăm sóc nhân viên của từng công ty. Còn không nữa bạn phải tự mua một plan bảo hiểm cho mình.

Câu chuyện thực tế đi khám bịnh ở Canada

Khi có em bé.

Lúc vợ mình có em bé sau khi tự test thử ở nhà, vợ mình đến gặp bác sĩ gia đình nói rằng “Tui nghĩ rằng tui đã có thai”. Nếu bạn không có bác sĩ gia đình, bạn có thể google tìm các Walk-in Clinic đi vào và nói y chang. Ở cả 2 trường hợp, họ sẽ dùng các thiết bị chuyên biệt để chuẩn đoán rằng thực sự bạn đã có em bé.

Sau khi xác định chính xác, họ sẽ ghi danh bạn vào hệ thống, bác sĩ sẽ khám sơ bộ và bắt đầu làm thủ tục chuyển bạn lên bịnh viện gặp bác sĩ chuyên khoa sản. Bịnh viện sẽ do bạn chọn để phù hợp với việc di chuyển. Bịnh viện bạn chọn đi khám cũng sẽ là bịnh viện bạn sanh em bé.

Trong suốt 7-8 tháng mang thai, chúng ta sẽ đi siêu âm (Ultra sound), đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa sản tại bịnh viện. Lúc này chúng ta không gặp bác sĩ gia đình nữa.

Khi gần ngày sanh, bác sĩ sẽ cung cấp thông tin và hướng dẫn các bạn các bước cần làm vào ngày lâm bồn. Ở một số bịnh viện, bác sĩ khám cho chúng ta sẽ là bác sĩ đỡ đẻ luôn. Nếu không, bạn cũng yên tâm vì cả team bác sĩ sẽ chia sẽ tình trạng của các bịnh nhân chung với nhau và ai cũng có thể đỡ đẻ cho bạn được.

Sau khi sanh em bé xong thì bạn sẽ lên gặp bác sĩ tại bịnh viện thêm vài lần tuỳ theo bác sĩ yêu cầu. Sau đó bác sĩ chuyên khoa sẽ trả bạn về lại bác sĩ gia đình và từ đây mọi vấn đề, thắc mắc hay chuẩn đoán bạn sẽ đặt hẹn và gặp bác sĩ gia đình để điều trị.

Trường hợp cần phẫu thuật.

Mình có một người bạn bị đau chân do tính chất công việc phải đứng nhiều. Sau khi đi bác sĩ gia đình khám, chụp X-Ray, chuẩn đoán xong thì bác sĩ gia đình gửi bạn ấy lên bác sĩ chuyên khoa xương khớp ở bịnh viện.

Lên đến bịnh viện, sau khi bác sĩ chuyên khoa chuẩn đoán xong thì gợi ý cho bạn ấy cần phẫu thuật. Mình không rõ tại sao lại cần phẫu thuật nhưng kết luận của bác sĩ là vậy. Sau khi bạn ấy suy nghĩ xong thì đã đồng ý và tiến hành đặt hẹn phẫu thuật.

Trước ngày phẫu thuật, bên phía trung tâm phẫu thuật gọi điện đặt lịch khám, thực ra để bác sĩ phẫu thuật gặp bịnh nhân và kiểm tra trước khi mổ. Sau đó họ gửi email các thông tin cần chuẩn bị cũng như dặn dò kiêng cử ăn uống như thế nào rất kỹ lưỡng.

Ngày đi phẫu thuật bạn ấy cũng vô ghi danh, nói tên và lịch hẹn. Họ cho thay đồ chuẩn bị và tiến hành phẫu thuật. Đặc biệt trước khi làm phẫu thuật, cả ekip mổ bao gồm bác sĩ mổ chánh, phụ, bác sĩ gây mê, y tá đều cùng sẽ đến gặp bịnh nhân trao đổi về quá trình mổ.

Y tá sẽ làm thủ tục trước khi mổ như là hỏi các câu hỏi về Covid cũng như các câu hỏi về tiền sử bịnh án, dị ứng…v.v. Nói chung họ làm rất kỹ lưỡng.

Họ ước tính thời gian phẫu thuật là 1 tiếng 50 phút và đến 3h trưa là xuất viện thì thật sự đúng y bon giờ đó là ra và bạn mình được xuất viện. Điều đặc biệt là đúng y chóc sau khi mổ xong là thuốc mê hết tác dụng và bạn mình tỉnh dậy chứ không phải nằm cho đến khi hết thuốc.

Sau đó thì bạn mình trở về nhà tịnh dưỡng và đi tái khám tại bác sĩ gia đình như bình thường.

Tóm lại

Sau khi đọc đến đây chắc hẳn các bạn cũng hình dung được cách mà hệ thống y tế của Canada vận hành như thế nào. Một khi đã hiểu được rồi thì giờ các bạn tìm ngay cho mình 1 bác sĩ gia đình và ghi danh liền ngay đi. Đừng để chờ đến lúc sốt, ho mới đi ra bịnh viện thì họ xử lý lâu lắm.

Vì cho dù bạn sốt vật vã đi nữa thì bạn cũng không phải là tình trạng khẩn cấp, nên họ sẽ ưu tiên nguồn lực để xử lý người đặt hẹn và khẩn cấp trước.

Cám ơn các bạn xem hết bài viết của mình. Hãy donate cho mình nếu mình đã giúp các bạn bổ sung được thêm kiến thức hay ho nhé. https://ko-fi.com/tommydo

Cheers !!

Xem thêm các bài viết về Cuộc sống ở Canada

Nguồn tài liệu:

Published inCác mẹo, hướng dẫn khi ở Canada🇨🇦 Cuộc sống ở Canada

One Comment

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.