Last updated on Tháng chín 26, 2023
Bạn đang tìm kiếm một mạng điện thoại để xài khi qua Canada phải không? Vậy không cần bạn phải đặt chân ở Canada rồi mới bắt đầu tìm hiểu, bạn có thể tìm hiểu và chọn một nhà mạng ngay khi còn ở Việt Nam. Vậy làm cách nào để chọn được một nhà mạng hợp lý so với nhu cầu của bạn? Bài viết này mình sẽ hướng dẫn các bạn nhé.
Table of Contents
Tổng quan
Trong bài mình sẽ có nhắc tới khái niệm BYO (Bring Your Own Device) tức là bạn đã có sẵn điện thoại và chỉ muốn làm sim và chọn dịch vụ. Ngược lại họ mặc định sẽ tự hiểu bạn muốn tìm mua SIM + Plan + Điện thoại luôn nha. Ngược với Việt Nam phải không? Hehe.
Ngoài ra, mình sẽ nhắc tới dịch vụ data hoặc gói data. Cái này thực ra là dung lượng 3G, 4G giống của Việt Nam mình thôi. Thí dụ nói gói data 4GB tức là bạn có 4GB của mạng 3G hay 4G để vô mạng internet trên điện thoại.
Mạng điện thoại ở Canada
Ở Canada thì khi xài điện thoại các bạn không đi mua thẻ cào rồi nạp vô, rồi xài hết lại mua thẻ cào nạp vô như ở Việt Nam mình. Mà các bạn sẽ ghi danh 1 số điện thoại rồi chọn một cái gói trả trước rồi xài.
Gói trả trước này thì mình gọi là “plan”. Đúng với cách mình gọi “trả trước”, khi bạn chọn 1 plan cho mình rồi thì bạn trả tiền cái plan đó theo từng tháng. Trả tiền xong thì plan mới chạy và bạn mới gọi điện, nhắn tin được.
Có bạn nói ở Canada cũng có thẻ cào đấy chứ. Ừ đúng, nhưng thẻ cào này là dưới dạng hình thức gift card. Bạn có thể mua gift card này tặng cho người khác hoặc tự nạp cho bản thân mình.
Mà chi cho phiền vậy, thời đại công nghệ rồi, khi chọn plan, bạn add cái thẻ ngân hàng vô mỗi tháng nó tự trừ, khoẻ re. Mất công xách xe đi ra mua thẻ rồi nạp chi cho tốn xăng hen.
Một số nhà mạng điện thoại lớn
Ở Việt Nam thì chỉ có vài các mạng điện thoại quốc doanh nhưng ở Canada thì lại có rất nhiều các công ty tư nhân với nhiều thương hiệu khác nhau. Thực chất, chỉ có 3 công ty lớn nhất là: Roger, Bell và Telus.
3 công ty này người ta gọi là “The Big Three” (dịch vui: “Tam trụ”) của ngành viễn thông tại Canada.
Rồi một số bạn hỏi sao các bạn đi mall thấy còn mấy nhãn hàng khác nữa mà. Ừ thì thực ra các công ty đó là “công ty con” của 3 ông lớn ở trên mà thôi. Các công ty đó người ta gọi là “Flanker brands” và gia phả của gia đình 3 ông như sau:
Theo các bạn thấy thì Fido, Virgin và Koodo ở đời thứ 1 nên người ta gọi là “1st Level Flanker”. Tương tự cho Chatr (Đọc là Chát Arr), Lucky và Public Mobile thì sẽ thuộc nhóm “2nd Level Flanker”.
Tại sao người ta chia ra thành các thương hiệu nhỏ chi vậy?
Chiến lược Marketing cả thôi. Các thương hiệu nhỏ ở Lv1 thì thường đánh vào đối tượng trẻ. Tương tự cho Lv2 thì sẽ dành cho các đối tượng chỉ xài plan rẻ.
Một số nhà mạng điện thoại khác
Ngoài các tên tuổi nổi tiếng ở trên thì chúng ta sẽ bắt gặp một số các thương hiệu khác, điển hình như là Freedom, SaskTel network, Videotron…v.v
SaskTel network là công ty chỉ ở Saskatchewan và độ phủ sóng chỉ trong tỉnh SK. Videotron là công ty ở tỉnh Quebec.
Còn Freedom thì các bạn thấy nhiều hơn nhưng nó chỉ cung cấp dịch vụ trong 1 số thành phố trọng điểm như vùng West Ontario; Edmonton, Calgary tỉnh Alberta; hay vùng the Greater Vancouver Area tỉnh BC. Các gói cước của Freedom rẻ hơn rất nhiều so với 3 gia đình trên nhưng chất lượng cũng “rẻ” hơn nhiều.
Cá nhân khi ở Calgary, mình đã từng xài Freedom và từ bỏ. Mạng (sóng hay 4G) rất yếu, chỉ mạnh khi đi trong trung tâm, đi ra ngoài thành phố chút là rớt. Customer service thì cực kỳ dỏm và không tôn trọng khách hàng. Với mình, mình sẽ không quay lại xài Freedom cho dù có rẻ thế nào đi nữa.
Sự khác nhau giữa các cấp
Dựa trên chính sách marketing của họ, mình có thể tham khảo các dịch vụ theo từng cấp sau:
Tam trụ: Roger, Bell, Telus thì cung cấp gói gọi điện nhắn tin kèm data như bình thường. Đặc biệt thì ở 3 công ty này có gói data không giới hạn. Tức là ví dụ bạn có 4GB data, nếu bạn xài hết 4GB thì bạn không bị ngắt mạng, mà vẫn có thể xài internet nhưng với tốc độ chậm hơn.
Ngược lại với các Flanker Lv1 (Fido, Virgin, Koodo) thì mình cũng có các dịch vụ cơ bản như gọi + nhắn tin và data. Tuy nhiên, nếu bạn xài hết dung lượng data trong plan thì bạn sẽ mất kết nối với internet.
Còn ở các Flanker Lv2 (Chatr, Lucky, Public Mobile) thì họ có các dịch vụ cơ bản nhưng giá rẻ hơn nhiều. Họ có cả các gói chỉ nghe gọi nhắn tin chứ không có data. Kể cả gói giới hạn thời gian nghe gọi và số lượng tin nhắn cho những ai có quá ít nhu cầu nghe gọi nhưng vẫn muốn có số điện thoại để khi cần.
Chọn nhà mạng điện thoại
Đi “Shop around”
Rồi giờ mình đã nắm được các nhà cung cấp dịch vụ ở Canada có những ai rồi. Thì giờ mình đi dọ giá “shop around” từng nơi hen.
Để coi giá từng plan của từng công ty, các bạn lên website của họ theo link bên dưới:
- Roger: https://www.rogers.com
- Bell: https://www.bell.ca
- Telus: https://www.telus.com/en
- Fido: https://www.fido.ca
- Virgin: https://www.virginplus.ca
- Koodo: https://www.koodomobile.com
- Chatr: https://www.chatrwireless.com
- Lucky: https://www.luckymobile.ca
- Public Mobile: https://www.publicmobile.ca/
Mình hiện đang xài Koodo nên mình sẽ chỉ các bạn lên web Koodo xem giá các gói dịch vụ họ như thế nào. Các bạn áp dụng tương tự cho các website khác nhé.
Bước 1: Vào website của Koodo theo link trên. Tạo một account và đăng nhập vào (Các website khác tương tự nha).
Bước 2: Nhấn vào mục Shop trên menu và chọn Plans.
Lúc này bạn sẽ có các lựa chọn sau:
- Khung cam: Bạn có điện thoại chỉ muốn mua số và chọn plan.
- Khung xanh dương: Bạn muốn mua điện thoại trả góp theo plan và số mới.
Dù bạn chọn BYO hay Plan mua điện thoại luôn thì các thông tin bên dưới cũng sẽ tương tự nhau, bao gồm:
- $32.00 per month là số tiền bạn sẽ trả hằng tháng chưa tính thuế (Thuế theo tỉnh bang bạn ở, ví dụ BC là 12%) cho dịch vụ nghe gọi nhắn tin.
- Pay-per-use data tức là bạn xài bao nhiêu data thì trả tiền bấy nhiêu (⛔️ Đừng dại, cái này trả tiền 3G chết luôn).
- Unlimited minutes là nghe gọi thả ga.
- Unlimited messaging nhắn tin cũng thả ga.
- 8 GB of Shock-Free Data at 4G speed tức là bạn có dung lượng 8GB cho data với tốc độ 4G.
- Unlimited Canada-wide minutes: gọi điện trong Canada thoải mái.
- Unlimited international messaging: nhắn tin cho số ngoài Canada thoải mái.
Cho tất cả các plan:
- Additional data $13/100 MB: mỗi 100MB bạn xài lố sẽ tính thành $13 chưa thuế.
- $50 connection fee applies when purchased in store: khi bạn đi ra tiệm để mua SIM thì bạn cần trả $50 tiền hoà mạng. Tiền người ta làm để số của bạn kết nối vô mạng điện thoại chung.
- $0 connection fee when you order online!: Cũng như trên nhưng nếu làm online (tự làm) thì không tốn xu nào.
- $5 SIM card charge: Tiền cái thẻ sim là $5.
Ví dụ: Mình có nhu cầu nghe gọi, nhắn tin và lên mạng. Mình hay xem Facebook hay dò Google Map khi đi đường nên mình cần data. Cho nên mình sẽ chọn gói $55.00.
Tổng số tiền để mình có được cái số điện thoại và có thể nghe gọi lên mạng:
- Làm ở tiệm: $55 + $50 + $5 = $110 + (12% thuế tỉnh BC) = $123.20
- Tự làm online: $55 + $5 = $60 + (12% thuế tỉnh BC) = $67.2
Mỗi tháng mình sẽ phải trả: $55 + (12% thuế tỉnh BC) = $61.60
Lưu ý: Ví dụ trên là mình chọn BYO – Có sẵn điện thoại rồi. Nếu các bạn muốn mua thêm điện thoại thì ngoài tiền dịch vụ trên bạn sẽ phải trả thêm cái tiền trả góp cho cái điện thoại bạn chọn.
Mua điện thoại trả góp kèm gói dịch vụ
Nếu bạn muốn mua điện thoại và trả góp lúc mua sim và hoà mạng luôn thì bạn có thể chọn vô mục Tab Plus, Tab Mid hay Tab Basic.
Vì do bạn muốn mua phone nữa nên thường các công ty sẽ giới hạn lại một số gói mà bạn chỉ được xài để đảm bảo lợi nhuận cho họ vì cơ bản họ sẽ bỏ tiền ra để trả đứt cái phone của bạn cho các công ty sản xuất điện thoại. Còn việc trả góp là bạn trả lại cho họ.
Lưu ý: Khi mua trả góp điện thoại, các công ty dịch vụ này thường yêu cầu bạn phải trả trước (down payment) ít nhất có thể là $200, $500 hay thậm chí $1000. Nếu họ chỉ yêu cầu $200 nhưng bạn muốn down $1000 thì số tiền bạn trả góp hàng tháng sẽ nhỏ xuống.
Thời hạn trả góp thường sẽ là 24 tháng tới 48 tháng. Càng dài thì lãi xuất càng thấp. Có công ty sẽ có thời hạn 12 tháng nhưng lãi suất sẽ cao hơn nhiều. Mà mình thấy dạo này họ bỏ luôn 12 tháng rồi.
Các bạn có thể mua trả góp ở 3 công ty Tam Trụ hoặc 3 công ty ở Lv1. Còn Lv2 thường chỉ có các điện thoại đơn giả, nắm gập, hoặc Nokia dạng cục gạch. Đây là các công ty cho đối tượng thu nhập thấp hoặc không có quá nhiều như cầu về điện thoại.
Mẹo để lấy được plan giá rẻ từ các nhà mạng điện thoại
Mẹo 1:
Bạn đi shop around các plan giữa các công ty điện thoại xong, bạn chọn 1 cái bạn ưng ý nhưng giá cao hơn cái thấp nhất trong list. Xong bạn gọi điện lên Customer Service của công ty đó thể hiện rằng bạn muốn mua bên họ nhưng giá họ lại cao hơn bên kia. Bạn đề nghị họ cho bạn cái giá tốt hơn. 80% bạn sẽ được họ cho cá giá tốt hơn. Ví dụ ở trên mình phải trả $55/tháng thì họ có thể giảm cho $50 hay $40/tháng.
Mẹo 2:
Nếu bạn đang có xài Internet hay cáp TV ở 1 công ty nào đó mà nếu công ty đó nằm trong nhánh của gia phả ở trên. Bạn có thể “hù” họ để họ giảm giá plan cho bạn. Ví dụ mình xài internet của Telus và điện thoại của Koodo. Mình gọi cho Koodo nói rằng đang là khách của Telus, yêu cầu họ cho các plan điện thoại ngon nếu không thì sẽ cắt hết. 90% họ sẽ cho bạn plan tốt hơn. Cái này tuỳ thuộc vào tài đàm phán (negotiation) của bạn.
Mẹo 3:
Tìm công ty khác giá tốt hơn nhảy qua xài. Các công ty họ canh tranh nhau nên họ sẽ liên tục ra các khuyến mãi hoặc chính sách tốt để lôi kéo khách. Các bạn coi chỗ nào ngon hơn thì nhảy qua xài nếu bạn không kẹt hợp đồng với công ty nào thì bạn có thể nhảy mạng bất cứ khi nào.
Bạn có thể đổi nhà mạng nhưng không mất số
Cái này nghe tới chắc sẽ lạ đối với những ai mới qua, vì ở VN thì số điện thoại đi theo nhà mạng nhưng bên này số điện thoại là đi theo bạn. Bạn có xài nhà mạng nào thì là do bạn, họ không có quyền ép bạn điều đó. Hehe xứ dân chủ tự do mà.
Nếu bạn có số rồi và có nhu cầu đổi nhà mạng. Bạn đi ra tiệm hoặc liên hệ customer service của công ty bạn muốn đổi. Ví dụ mình muốn đổi từ Koodo qua Roger. Mình sẽ gọi có CS của Roger.
Lúc này, khi nhận được yêu cầu của mình. Họ sẽ ghi danh thông tin bạn lên hệ thống, chọn plan theo ý bạn, và gửi SIM card mới cho bạn qua thư theo địa chỉ bạn sẽ cung cấp cho họ. Họ sẽ cho bạn một số điện thoại tổng đài của trung tâm quản lý số điện thoại.
Khi bạn nhận được SIM rồi, bạn lắp SIM mới vô điện thoại và lấy điện thoại khác gọi cho Trung tâm quản lý số điện thoại theo số họ cho ở trên, xong nói chuyện với nhân viên, kêu họ đổi số bạn từ Koodo qua Roger. Nhân viên sẽ hỏi một số thông tin tài khoản, số IMEI…v.v. Các bạn chuẩn bị cho cung cấp cho nhân viên tổng đài.
Họ sẽ làm thủ tục đổi số và sau đó chừng 1 tiếng bạn sẽ thấy SIM mới bạn được kích hoạt sóng điện thoại lúc này số điện thoại của bạn đã được chuyển qua nhà mạng khác.
Túm lại
Dựa trên nhu cầu sử dụng điện thoại của bạn, bạn có thể chọn nhà mạng và các gói dịch vụ theo ý thích của mình. Theo mình thấy các bạn thuộc đối tượng sau có thể chọn nhà mạng theo hướng sau:
- Thanh niên trẻ tuổi: nghe gọi nhắn tin với bạn gái/trai nhiều, lướt web bằng 3G nhiều nhưng lại không có nhiều tiền trả plan => Flanker Lv1
- Người lớn đi làm: nghe gọi nhắn tin tương đối, lướt web bằng 3G nhiều có thu nhập ổn => Tam trụ
- Người lớn tuổi đã nghỉ hưu: nghe gọi nhắn tin ít, có lướt web bằng 3G, thu nhập ít => Flanker Lv1.
- Người lớn tuổi đã nghỉ hưu: nghe gọi nhắn tin ít, không lướt web => Flanker Lv2.
- Người chỉ muốn nghe gọi nhắn tin, lên mạng thì bắt wifi nhà hoặc free ngoài đường => Flanker Lv2.
Cám ơn các bạn xem hết bài viết của mình. Hãy donate cho mình nếu mình đã giúp các bạn bổ sung được thêm kiến thức hay ho nhé. https://ko-fi.com/tommydo
Cheers !!
Xem thêm các bài viết: Cuộc sống ở Canada
Thanks anh, bài viết rất hay và chi tiết.